Có một vị quốc vương, một hôm cảm thấy đời sống sao vô vị quá, chẳng còn gì vui thú. Rồi ông nghĩ: Ta nên tìm một vị thầy dạy cho mình cách sống hạnh phúc, tự tại.
Thế là quốc vương xuất cung, đi khắp nơi tìm kiếm một vị thầy ưng ý nhưng xem ra chẳng có ai làm ông hài lòng. Theo ông thì vị thầy lý tưởng phải là một người có phong cách giải thoát, tự tại, nội tâm lúc nào cũng an lạc. Tiếc thay, hễ các thầy vừa biết rõ ông là vua thì lập tức họ mất bình tĩnh ngay, không còn vẻ an lạc tự tại vốn có.
Hằng ngày mỗi khi xuất cung vi hành, quốc vương thường gặp vị tu sĩ ăn mặc rách rưới ngồi yên bất động, gương mặt bình thản điểm nụ cười mỉm thâm trầm dưới tàng cây ven đường.
Mới đầu, quốc vương chẳng thèm dòm đến ông, nhưng sau một thời gian dài mỏi mắt kiếm tìm mà không có kết quả, chẳng chấm được ai, quốc vương đành ngó vị ẩn sĩ cho đỡ buồn. Bị nụ cười thâm trầm lôi cuốn, vua xuống ngựa, ngỏ ý:
- Này ẩn sĩ, ta đang muốn tìm một vị thầy, ông có chịu làm thầy ta không?
- Nếu ngài chịu cư xử theo lễ thầy trò thì ta đồng ý!
Quốc vương cảm thấy thích thú, liền rước thầy về cung. Thầy ngự trong cung điện cao sang, được cung phụng không thiếu thứ gì, tận lực thờ kính thầy, vua hy vọng sẽ được truyền diệu pháp.
Lạ thay, những gì quốc vương hậu đãi, thầy hưởng tất tần tật song chẳng hề dạy quốc vương điều gì, suốt ngày thầy cứ yên lặng, gương mặt vẫn bình thản, cười mỉm thâm trầm.
Thời gian trôi qua, quốc vương thất vọng và cảm thấy phiền lòng, hết chịu nổi bèn “tống” thầy ra khỏi vương quốc bằng cách bí mật đưa thầy đến biên ải. Trên đường, thầy vẫn giữ vẻ mặt thản nhiên với nụ cười mỉm thường nhật.
Đến nơi, quốc vương hết nhịn nổi, tuôn ra những bất bình:
- Này lão ăn mày kia! Hồi xưa, thấy lão ngồi dưới gốc cây ăn mặc rách rưới, ta ngỡ lão là bậc Thánh nhân đắc đạo nên mới có bộ dạng khác người. Ai dè khi lão về hoàng cung, lão chỉ biết hưởng thụ xa hoa như ta, chẳng có gì hay! Trước khi “lặn” mất, lão hãy nói xem: Giữa lão và ta có gì khác biệt? Có bí quyết gì sống an lạc hạnh phúc hay không?
Vị thầy lúc này mới “khai khẩu” tạ từ và trả lời: Ðiểm khác biệt giữa ngài và tôi là thế này, ngài có một vương quốc, ngài phải bám víu và sống chết vì nó. Còn tôi, tôi không có vương quốc nên đi đến đâu thì chỗ đó là vương quốc tôi. Khi tôi ở gốc cây, gốc cây là vương quốc, khi tôi ngụ tại hoàng cung, thì hoàng cung là chỗ của tôi. Thật sự thì hoàng cung hay gốc cây, đối với tôi không có gì khác biệt. Và bí quyết để sống an lạc ư? Chỉ có tâm tư giải thoát, an tĩnh hoàn toàn mới có thể sống hạnh phúc.
Nói xong, thầy bước thẳng và khuất dạng trong rừng sâu.
(Kể theo Truyện ngụ ngôn của Lâm Thanh Huyền)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Khi được người tôn làm thầy, đặt ở vị trí cao, nhận sự kính ngưỡng, quy phục của người thì tất nhiên ta phải xứng đáng bậc thầy, đạo sư, dẫn đường chỉ lối giúp người thoát mê, dứt khổ. Thầy phải có tuệ giác, từ bi, quảng đại, bao dung và sức chịu đựng vô bờ… mới giáo hóa thành công. Trách nhiệm của thầy rất lớn song đó chỉ là những điều kiện lý tưởng mà thầy cần đạt tới. Tuy nhiên trong thực tế, một vị thầy chỉ cần bồi đức lập hạnh, hoàn thiện mình đã là tốt rồi.
Người thầy trong câu chuyện dù minh triết nhưng lại không chỉ giáo. Hành xử như thầy không dễ kiếm, “khát pháp” như quốc vương cũng khó tìm, chỉ tiếc là vua và thầy chưa đủ duyên. Giả như vua gặp được Phật, các bậc Thánh hoặc vị thầy xứng danh, ắt hẳn sẽ được thỏa lòng.
Cho nên, tìm được minh sư tuy khó nhưng hội đủ những phước duyên để thầy giáo hóa cho mình đạt đến viên mãn cực kỳ khó hơn! Vậy mới hay tìm thầy không dễ!