I. Ý nghĩa tên Ngài:
Tiếng Phạn A-Nan-Đà dịch là Khánh Hỷ có nghĩa là vui mừng vì:
1.Ngài sinh ra gặp ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo, ngày vui mừng nhất của nhân loại.
2.Ngài là con Hộc Phạn Vương, em vua Tịnh Phạn. Vua Hộc Phạn rất rộng lượng nhân từ, nên khi có con trai, cả nước cùng chung vui với nhà Vua. Ngài A-Nan-Đà thường dự những lần thuyết pháp của Phật. Ngài là em họ của Phật và là thị giả của Phật.
II. Tiền thân của Ngài:
Trong kinh Lăng Nghiêm có chép: ở một kiếp quá khứ, Ngài cùng đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm thiện hữu đồng phát tâm Bồ Đề, tu các phép hạnh. Nhưng Ngài quá chuộng đa văn, không chuyên hành đạo, còn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì luôn luôn tinh-tấn tu hành. Do nhân duyên kiếp trước nên đời nay Ngài sanh vào dòng họ Thích, làm anh em thúc bá với đức Phật. Lúc 25 tuổi, Ngài xuất gia hầu hạ đức Phật và thọ trì chánh pháp.
III. Công hạnh của Ngài và lòng quy ngưỡng của Phật Tử:
1.Vì kiếp trước Ngài thiên trọng trau dồi trí huệ nên đời nay Ngài được trí huệ sáng suốt, hiểu nhớ cùng khắp. Ngài được tôn xưng là đa văn đệ nhất trong hàng đệ tử Phật.
2.Ngài có công lớn trong việc cầu xin đức Phật cho hàng phụ nữ xuất gia tu đạo. Cho nên trong kinh Niết Bàn, đức Phật dạy đến ngày 8 tháng chạp (ngày sinh nhật của Ngài) hàng nữ Phật tử phải tận tâm cúng dường đảnh lễ Ngài để kỷ niệm hồng ân ấy.
3.Ngài là vị tổ thứ hai tiếp nối Ngài Ca Diếp; Ngài đứng hầu bên phải đức Phật.
4.Sau khi đức Phật diệt độ, trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, Ngài vâng lệnh chúng Tăng, đọc lại những lời dạy của đức Phật mà Ngài đã được nghe và ghi nhớ.
5.Trong các kinh chúng ta thường thấy câu "Như thị ngã văn" (tôi nghe như vầy) để đầu là biểu ý tất cả bộ kinh đều do Ngài nghe đức Phật thuyết giảng và chỉ đọc lại mong chánh pháp lưu thông, chứ không phải lời ước đoán sai lầm như kinh điển ngoại đạo.
Công ơn đối với hậu thế của Ngài lớn nhất là sự kết tập kinh điển. Ni chúng và hàng nữ Phật tử luôn nhớ ơn đức của Ngài trong việc xin đức Phật cho phái Nữ xuất gia. Tượng Ngài luôn đứng bên phải của đức Phật.
I. căn nguyên và định nghĩa:
Giáo lý của Đức Phật không đặt nền tảng trên sự sợ hãi của những điều gì không biết, mà được xây dựng trên căn bản của những sự kiện có thể khảo sát và chứng minh bằng kinh nghiệm. Phật giáo là thuần lý và thực nghiệm.
Đức Phật, sau khi thành đạo liền đến vườn Lộc-Giả ở Chư Thiên Đọa xứ để độ năm anh em ông Kiều Trần Như - những người bạn cũ của Ngài. Đầu tiên, năm ông này không chịu nghe; nhưng Ngài xuất hiện với tướng hảo trang nghiêm, lời dạy hiền hòa và có sức thu hút, họ trở lại và chú ý, sau cùng trở thành những đệ tử của Ngài và chứng quả A-La-Hán. Bài thuyết pháp này được gọi là Bốn Sự Thật Cao Thượng (Tứ Diệu Đế). Bốn Sự Thật Cao Thượng trình bày triết lý và đạo đức của Phật giáo. Đó là nền tảng của Phật giáo.
II. hành tướng của bốn đế:
1.Khổ đế: Những khổ đau của cuộc sống liên tục tiếp diễn tạo nên vòng sanh tử luân hồi, từ đời này qua đời khác. Có tám hành tướng khác nhau của sự khổ:
a.Sanh khổ: Nỗi khổ của con người khi được sanh ra và những nghịch cảnh trong cuộc sống.
b.Lão khổ: Nỗi khổ đau do sự già nua suy tàn của thân xác và sự lu mờ của trí tuệ.